Nhiều tỉnh miền Nam gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa cao điểm nắng nóng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nắng nóng kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trước tình hình này, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng.
Nhiều tỉnh miền Nam gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa cao điểm nắng nóng
Ảnh minh họa

Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dự báo, trong tháng 5/2024 sẽ có nhiều đợt nắng nóng xảy ra tại nhiều địa phương. Việc nắng nóng kéo dài sẽ gây ra nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cao.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 04 tháng 4 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 31/CĐ-TTg về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nhiều địa phương cũng đã ban hành Chỉ thị, chủ động phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng mùa nắng nóng.

Sóc Trăng tập huấn phòng chống cháy rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 10.300 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 1.700ha; rừng trồng đã thành rừng trên 6.600 ha và đất rừng đang trồng là hơn 1.900ha.

Ngay từ đầu mùa khô năm 2024, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu với ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp ngành, lực lượng vũ trang, địa phương và người dân khu vực gần rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ an toàn, chưa xảy ra cháy rừng lớn.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngành chức năng cần tổ chức các lớp tập huấn phòng chống cháy rừng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về công tác phòng cháy, đặc biệt là người dân sống cạnh bìa rừng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy.

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Hậu Giang nâng cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Trước tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao, tỉnh Hậu Giang đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2021-2030 tỉnh cũng thông báo nâng cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Ban Chỉ đạo tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng các huyện, các xã, phường, thị trấn có rừng và các đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên vận hành các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, bố trí máy chữa cháy ở các khu vực trọng điểm.

Đà Nẵng thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống cháy rừng

Thành phố Đà Nẵng có hơn 63 ngàn héc ta rừng. Từ đầu mùa khô đến nay, tại thành phố Đà Nẵng chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài cấp độ cảnh báo cháy rừng trên địa bàn thành phố đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống cháy rừng gồm 40 người, chia làm 3 tổ công tác, hoạt động tại các địa bàn trọng điểm, gồm rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, những khu rừng này ở sát khu dân cư, có các khu du lịch, dễ xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và phối hợp giữa các lực lượng tham gia PCCC là nhiệm vụ thường xuyên được các hạt kiểm lâm triển khai.

An Giang, Quảng Ngãi chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy ký Công văn 518/UBND-KTN, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Công văn 263/UBND-KTN, ngày 8/3/2024, Công văn 422/UBND-KTN, ngày 8/4/2024 của UBND tỉnh.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các ngành, địa phương bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; nghiêm cấm hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định Pháp Luật.

Tại Quảng Ngãi, nắng nóng kéo dài đã làm cho các thảm thực bì ở các cánh rừng rơi vào tình trạng chết khô, cảnh báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, ngoài thành lập các tổ bảo vệ rừng 24/24 giờ, lực lượng chức năng tỉnh còn gắn bảng nội quy tại các khu vực có khách du lịch đến tham quan, đặt bổ sung bảng cấm lửa ở các đường lộ ngoài bờ bao và trong rừng. Đồng thời, trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm tình hình của từng vùng, nhằm đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong các tình huống được tốt nhất.

Đồng Tháp triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện có rừng và các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai nghiêm Công điện số 31/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cấp cháy rừng, đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng tiếp tục tuyên truyền quy định của Pháp Luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật